Đền Cả tọa lạc dưới chân núi Mồng Gà, nay thuộc thôn 5 xã Sơn Trà - Đền Cả hay còn có tên gọi là Điện Kim Sơn là ngôi Đền linh thiêng đã hình thành từ lâu với nhiều tương truyền đi theo cùng năm tháng của sự tồn tại và phát triển.

Thanh u, trầm mặc tọa lạc dưới chân núi Mồng Gà, thuộc thôn 5, xã Sơn Trà, huyện Hương Sơn, HT. Đền Cả còn có tên gọi là Điện Kim Sơn . Tương truyền, đây là di tích được xây dựng vào thời nhà Lý thờ Lý Nhật Quang và được gọi là Kê Quan Sơn Đại Vương, Hồng Tự thượng thượng đẳng thần, tối linh từ. Ông là một nhà chính trị có tài, một tướng lĩnh tài ba là con thứ 8 của vua Lý Thái Tổ – một hoàng tử lỗi lạc được phong tước Uy Minh Vương.

Thanh u, trầm mặc Đền Cả tọa lạc dưới chân núi Mồng Gà

Dựa theo hồ sơ di tích, đền thờ Đức Thánh Cả ở Sơn Trà ghi nhớ công lao của những người đã tiên phong mở cõi đánh giặc ngoại xâm, giữ yên sự hưng thịnh thái bình cho muôn dân trăm họ. Đền thờ các vị thần: Kê Quan Sơn, Trà Sơn Công Chúa, Đệ Tam Thánh Mẫu, Mạo Sơn, Kim Quy Sơn, Kiều Sơn, Cao Sơn, Cao Các, danh tướng Lê Hữu Dung và Cha con Cao Hữu Sơn. Cùng với Đền Cả là công trình tín ngưỡng Đình làng Đôn Mỹ với kiến trúc cổ và là nơi sinh hoạt cộng đồng của nhân dân trong làng.

Đền Cả được xây dựng trên mảnh đất cao với khuôn viên rộng rãi, rợp bóng mát

Vùng đất Đôn Mỹ xưa, (nay là xã Sơn Trà) là nơi Uy Minh Vương Lý Nhật Quang để lại nhiều dấu ấn. Ngài tổ chức cho dân khai khẩn đất hoang, lập làng, lập ấp, mở rộng đất đai canh tác, ổn định cuộc sống, góp phần đưa mảnh đất này trở thành vùng trù phú, yên vui. Để tưởng nhớ công lao to lớn đó, nhân dân nơi đây đã tôn Ngài làm phúc thần và lập đền thờ để thờ phụng, cầu mong sự phù hộ cho nhân dân có cuộc sống ấm no, sung túc, đồng thời thể hiện tấm lòng biết ơn đối với đấng “hộ quốc tý dân” . Theo tư liệu lịch sử thì vào cuối năm 1885, Đền Cả là một địa điểm trú quân của nghĩa quân Phan Đình Phùng (các ngã vào đền rất hiểm trở) bởi khi đó, cụ Phan chủ trương cho binh lính lui quân về chân núi Mồng Gà để bảo toàn lực lượng. Đền Cả cũng là nơi tập luyện của đội tự vệ đỏ (36 người) và tổ chức Nông hội đỏ (60 hội viên) trong thời kỳ diễn ra cao trào Xô viết Nghệ tĩnh 1930-1931. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đền Cả cũng có lúc là nơi tập kết lương thực, vũ khí, vận chuyển sang nước bạn Lào. Từ xa xưa ở xung quanh Đền có nhiều cây cổ thụ, gồm nhiều loại cây gỗ quý, các loại cây dùng làm dược liệu, hương liệu, lá nón … và có nhiều loài chim, kể cả chim công. Tương truyền, mỗi khi ốm đau người dân trong vùng đều đến bái tạ thần rồi hái lá cây quanh Đền về làm thuốc, có rất nhiều người đã chữa khỏi bệnhnên người dân trong vùng cho là thần ở Đền rất linh thiêng.

Điện thờ được chạm trổ rất tinh xảo, thể hiện phong cách độc đáo kiến trúc nghệ thuật thời Hậu Lê.

Đền Cả được xây dựng trên mảnh đất cao với khuôn viên rộng rãi. Đền có cấu trúc khép kín gồm nhà thượng điện, trung điện và hạ điện. Các tòa nhà được xây dựng trong những thời điểm lịch sử khác nhau. Ngôi nhà hạ điện được chạm trổ rất tinh xảo, thể hiện phong cách độc đáo kiến trúc nghệ thuật thời Hậu Lê. Hai bên nhà trung điện có tượng hộ pháp uy nghi.

Trước Đền có đôi Voi chầu

Phía trước cổng Đền có hồ bán nguyệt và cánh đồng xanh ngát, đi vào trong cổng đền có đôi Voi chầu rồi miếu thờ. Trong đền còn lưu giữ khoảng 20 hiện vật và nhiều đồ thờ cúng. Các loại đồ thờ bài trí ở nhà Thượng điện phần lớn đều được chạm khắc, sơn thiếp tuyệt đẹp. Khi cúng tế, dưới ánh sáng của đèn, nến, các loại đồ thờ được sơn thiếp trở nên lung linh, huyền ảo, góp phần làm cho không gian tưởng niệm thêm phần thiêng liêng, trầm mặc. Đến với đền Cả, chúng ta có thêm những tư liệu quý về tín ngưỡng thờ thần và truyền thống sinh hoạt văn hoá tâm linh của người dân địa phương.

Không gian trang trọng và linh thiêng

​​​​Lễ hội Đền Cả được tổ chức vào ngày 15-6 Âm lịch hàng năm với nghi lễ trang trọng và linh thiêng, thu hút được sự quan tâm tham dự của đông đảo nhân dân trong và ngoài xã cũng như du khách thập phương. Đền Cả chứa đựng nhiều giá trị văn hoá, lịch sử và cũng là nơi hội tụ, sinh hoạt văn hoá tâm linh của nhân dân hướng về cội nguồn. Theo dòng chảy của thời gian, chứng kiến bao thăng trầm của lịch sử, sự hình thành và phát triển của xã nhà, dưới sự tác động khắc nghiệt của thiên tai và con người Đền Cả bị xuống cấp nghiêm trọng. Trước tình hình đó, Cấp ủy, Chính quyền địa phương đã tập trung huy động mọi nguồn lực để trùng tu, tôn tạo, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của Nhân dân.

Với những giá trị đó, năm 2006 Đền Cả được UBND tỉnh Hà Tĩnh công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hoá cấp tỉnh. Đền Cả là niềm tự hào của người dân Đôn Mỹ xưa, và người dân xã Sơn Trà ngày nay, góp phần khơi dậy tình yêu quê hương đất nước, lòng tự hào dân tộc; tiếp tục bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, thúc đậy kinh tế - xã hội phát triển.

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ hành chính
     Liên kết website
    Thống kê: 250.968
    Online: 4