Đình Đôn Mỹ xã Sơn Trà đã trải qua các thời kỳ lịch sử, đây là nơi tụ họp và thực hiện những quy định gọi là lệ làng, nơi diễn ra các lễ hội làng...

Làng Đôn Mỹ xưa kia rất nghèo, nhưng làng đã xây dựng một ngôi Đình to và đẹp, khang trang nhất tại thời đó, Đình nằm ngay ở vị trí gần như trung tâm của làng thuộc mé đồi Long Hội Sơn (nay thuộc thôn 3, xã Sơn Trà, HS). Đình được các nghệ nhân đục chạm công phu, tỉ mi, phản ánh kỹ thuật dùng gỗ thời đó đạt tới đỉnh cao của nghệ thuật kiến trúc cổ, cột Đình to được làm bằng gỗ lim, phía Thượng điện được sơn son thếp vàng, vẽ rồng chầu trên ván gỗ ghép kín, nơi cất giữ những gương sắc vua ban qua các triều đại. Không gian đình rộng, thoáng, có bàn tế bằng gỗ lim, trước cổng Đình có cây bàng to che phủ sân đình, toả bóng mát vào những buổi trưa hè. Phía ngoài cổng đình còn có cây đa gốc đa to đến ba bốn người dang tay ôm không xuể. Phía trái Đình là miếu thờ và xa hơn có đền thờ quan Hầu đại vương Lê Hữu Dung (Lê Hầu Sại), phía sau Đình là khu dân cư làng Bàu đông đúc.

Đình Đôn Mỹ nằm ở mé đồi Long Hội Sơn (nay thuộc thôn 3, xã Sơn Trà, Hương Sơn, Hà Tĩnh

Dựa theo niên biểu ghi ở hạ đình thì Đình Đôn Mỹ được hoàn thành vào năm 1896 - đời vua Thành Thái thứ 8. Ngày xưa để có tiền xây dựng Đình làng và các công trình khác trong địa phương, Hội đồng kỳ mục làng Đôn Mỹ chủ trương thu hoa lợi ruộng đất (52 mẫu) và thu qua bán Ngôi, trong làng ai mua Ngôi được làng miễn trừ phu phen, không phải đi tuần phiên canh gác. Người nào mua Ngôi nhiều tiền được làng cho ngồi mâm trên mỗi khi làng tế và Ngôi hậu khi chết được làng thờ cúng.

Đình Đôn Mỹ, nơi chứng kiến bao biến cố lịch sử trong làng. Đầu năm 1930 tổ chức tự vệ đỏ (36 người) và nông hội đỏ (60 hội viên) được thành lập và hoạt động tại Đình làng, thông qua các cuộc họp bàn ở Đình làng, tổ chức nông hội đỏ đã chia 52 mẫu ruộng công cho dân cày và chia một số lúa tịch thu của người giàu trong làng cho các hộ dân nghèo. Người nông dân nghèo làng Đôn Mỹ trong cao trào Xô Viết đã được chia ruộng, ban ngày họ chăm lo sản xuất đồng ruộng, ban đêm về tại Đình làng tham gia sinh hoạt nông hội thật là vui và ấm cúng và đoàn kết cùng nhau xây dựng quê hương.

Cũng từ đầu năm 1930, Hội đồng kỳ mục (Hội đồng kỳ mục là những người quan lại có chức vụ cao đang làm việc hay đã về hưu người trong làng và hào lý đương chức trong làng) biết rằng không thể chống lại được trào lưu cách mạng đã phải nằm im, chúng ngầm móc nối với quan tây ở Đồn Tứ Mỹ chờ đợi thời cơ chống phá lại cách mạng. Mặt khác, quan Tây đồn Tứ Mỹ cùng với bọn tay sai đã bắt bớ nhiều người đưa về Đình làng tra khảo vì chúng cho rằng đây là những người tham gia hoạt động Cộng sản. Trong số người bị bắt trong cao trào cách mạng 1930-1931 ở làng Đôn Mỹ có ông Lê Lương và một số người khác bị kẻ địch bắt và tra tấn dã man, đến khi chết mà không khai một lời nào về tổ chức Chi bộ cộng sản Đôn Mỹ (hiện mộ ông Lê Lương được cải táng tại Nghĩa trang liệt sỹ Nầm), ông Thái Mợi bị kẻ địch đem đi giam cầm ở nhà tù Buôn Ma Thuột ở Đắc lắc, kẻ địch cũng bắt nhiều người trong Đội tự vệ đỏ và giam cầm tại nhà tù ở thị xã Hà Tĩnh (nay là TP Hà Tĩnh) những năm 1930-1931.
Sau cách mạng tháng tám 1945, Đình Đôn Mỹ vừa là Trụ sở làm việc của Uỷ ban cách mạng, vừa là nơi mở các lớp bình dân học vụ, lớp học ban ngày, lớp học ban đêm, nhanh chóng thanh toán nạn mù chữ cho nhân dân và cả những lớp vỡ lòng còn gọi là lớp vỡ dạ. Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc, Đình Đôn Mỹ là địa danh chứng kiến sự tiễn đưa của 581 người con của làng gia nhập quân đội. Đầu tiên là Trung đội du kích làng gia nhập vệ quốc đoàn vào năm 1947, cũng là nơi tập trung tiễn đưa 362 người đi dân công hoả tuyến, 25 người đi thanh niên xung phong, trong kháng chiến từ các mặt trận gửi về qua Đình làng và là nơi làm việc của Uỷ ban kháng chiến hành chính xã sau này là Ủy ban hành chính rồi Ủy ban nhân dân xã. Tháng 3-1960, Đình Đôn Mỹ là nơi chứng kiến sự ra đời Đảng bộ Sơn Trà với hơn 144 đảng viên, trải qua bao thăng trầm của lịch sử theo dòng chảy thời gian, là địa danh ẩn chứa bao câu chuyện xẩy ra với làng từ chuyện vui,chuyện buồn, chuyện đã làm được và những chủ trương của Đảng bộ đã và đang làm trong quá trình xây dựng và phát triển xóm làng đi tới ấm no hạnhphúc cho người dân. Đình Đôn Mỹ quả là một biểu tượng truyền thống mang tính cộng đồng, bởi tại đây luôn luôn nhộn nhịp, đông người. Từ năm 2000 UBND xã Sơn Trà chuyển về trụ sở mới trả lại Đình Đôn Mỹ cho dân làng.
Trải qua hơn 100 năm, chứng kiến bao thăng trầm của lịch sử, theo dòng chảy của thời gian, sự hình thành và phát triển của địa phương, đình Đôn Mỹ đã xuống cấp trầm trọng. Chính quyền địa phương kêu gọi các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, nhà hảo tâm, toàn thể Nhân dân, những người con xa quê xã Sơn Trà chung tay, góp sức, hỗ trợ nguồn kinh phí đầu tư, tôn tạo ngôi đình theo phương châm xã hội hóa đến đầu năm 2021 Chính quyền địa phương đã kêu gọi Cán bộ, Nhân dân, những người con xa quê và các nhà hảo tâm đóng góp được với tổng số tiền hơn 500 triệu đồng để trùng tu, tôn tạo lại đình Đôn Mỹ và công trình đã được khởi công.
Công trình đã được khởi công đến tháng 5/2021 hoàn thành, góp phần bảo tồn giá trị lịch sử, nét đẹp văn hóa tâm linh, đảm bảo gìn giữ được ngôi Đình - tài sản kiến trúc nghệ thuật vô giá mà ông cha để lại cho thế hệ mai sau.
Ngày 18/3/2022, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã kí Quyết định số 613/QĐ UBND về việc xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh đối với Đình Đôn Mỹ, xã Sơn Trà.
Đình Đôn Mỹ là công trình kiến trúc cổ, có giá trị đặc biệt to lớn về văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của người dân xã Sơn Trà qua các thế hệ. Đây là di tích lịch sử, hồn cốt của các thế hệ con em Sơn Trà, là chứng tích không gian văn hóa làng gắn liền với lịch sử vùng đất và con người dưới chân đỉnh Kê Quan Sơn - nay là núi Mồng Gà.
Nguồn: tác giả Bùi Thành- Công an xã Sơn Trà. Trong bài viết có sử dụng tư liệu của Lịch sử Đảng bộ xã Sơn Trà và một số hình ảnh của Báo Hà Tĩnh.
 

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ hành chính
     Liên kết website
    Thống kê: 238.695
    Online: 20