Theo sử sách ghi lại khi quân Minh chiếm đóng nước ta (1407) hai cha con Trạng Sử, người cha là Sử Hy Nhan đậu Trang nguyên năm 1363 và người con là Sử Đức Huy đậu Trạng nguyên năm 1381, người làng Bình Lãng Thượng, huyện Phi Lộc nay là xã Đức Thuận, thị xã Hồng Lĩnh , đã không chịu cộng tác với tướng giặc minh và bảo với mọi người ở quê: Muốn sống thì lên núi mà ở, muốn chết thì làm đầy tớ người Minh”, rồi cũng gia nhân (32 hộ) chạy trốn lên đất Đỗ Gia dựng trại ở ẩn dưới chân núi Mồng Gà lập thành ấp Trại Đầu (xã Sơn Long ngày nay). Ấp Trai Đầu dần được mở rộng và phát triển về hai phía chân núi Mồng Gà lập thành các làng. Dựa theo sổ sách mà  quan Hàn Lâm Đại Chiếu Lê Học Cung, tức cụ Hàn Thăng và sổ sách của quan Chánh tổng Lê Thi thì đến năm 1776 dưới triều vua Lê Hiển Tông, xã có tên gọi mới là xã Liệt Đồn. Đến năm 1868 (năm Tự Đức thứ 21) xã Liệt Đồn được đổi tên là xã Đôn Mỹ, gồm các làng: Đông, Đoài, Hoa, Giáp, Ất, Nguyệt. Khi các cụ làng Đôn Mỹ di dời xây dựng xong Đền Cả ở địa điểm mới, địa điểm đền hiện nay.

          Lịch sử các dòng họ đến định cư ở Đôn Mỹ, đó là dòng họ Lê Hẩu, Lê Quận Công, họ Phạm, họ Nguyễn, họ Phan, họ Đoàn, họ Thái..Các dòng họ đều ở các nơi khác hoặc từ Long Óc, Sủng Ốc, hoặc Bình Mỹ (Sơn châu, Sơn Hà, Sơn Bình), Tùng Ảnh (Đức Thọ).

          Để quản lý chặt chẽ dân cư ở các làng, quan làng ở xã lại phân chia các lành theo xóm đặt tên từng xóm theo một địa danh vùng đất ở nơi đó nên Đôn Mỹ thời xưa có 11 xóm: Pheo, Thai, Hiu, Cùa (Kim Lân Cù Sơn), Loan (Phi Loan Sơn), Hội, Hương, Trè, Ri, Đu (Xóm Hầu) và Tràng. Dựa theo sổ sách của một số người cao tuổi trong xã, dân số Đôn Mỹ vào năm 1930 khoảng trên 1.000 người, năm 1936 là 1.200 người, năm 1945 là 1.400 – 1.500 người. Năm 1949, xã Đôn Mỹ và Dỹ Long hợp thành xã Mỹ Long, đến tháng 9 năm 1945 chia thành xã Sơn Long và xã Sơn Trà.

          Xã Đôn Mỹ xưa (xã Sơn Trà ngày nay) không có giáo dân. Người dân nơi đây chịu ảnh hưởng về Nho giáo, nếp sống văn hóa người Đôn Mỹ xưa dựa vào sự tôn kính thần linh. Việc tế lễ Đền Cả ngày xưa có phần tế lễ thần núi Kê Quan Sơn và tế tại Đình làng. Đình làng – một biểu tượng gắn bó chứng tích không gian văn hóa làng. Đình làng Đôn Mỹ, xã Sơn Trà trải qua các thời kỳ lịch sử, là nơi tụ họp và thực hiện những quy định gọi là lệ làng, nơi diễn ra các lễ hội làng.

          Làng Đôn Mỹ xưa kia rất nghèo, nhưng làng đã xây dựng một ngôi đình to, đẹp nằm ở vị trí gần như trung tâm làng thuộc mé đồi Long Hội Sơn. Trong Đình, hạ kẻ được chạm trổ rất tinh vi, cột đình to cao bằng gỗ lim, phía thượng điện được sơn son thiếp vàng, vẽ rồng chầu trên ván gỗ khép kín, nơi cất giữ những gương sắc vua ban qua các triều đại. Không gian đình rộng, thoáng, có bàn tế bằng gỗ lim. Trước cổng đình có cây bàng to che phủ sân đình. Phía ngoài cổng đình còn có cây Đa mà ở cội cây ba bốn người dang tay ôm không xuể. Phía trái đình có miếu thờ và xa hơn có đền thờ quan Hầu đại vương Lê Hữu Dung, phía sau đình là khu dân cư làng Bàu.

          Đình làng Đôn Mỹ là nơi chứng kiến bao biến cố lịch sử trong làng. Đầu năm 1930 tổ chức Tự vệ đỏ (36 người) và Nông hội đỏ (60 người) được thành lập và hoạt động tại Đình làng. Cũng từ đầu năm 1930, Hội đồng kỳ mục làng Đôn mỹ biết không thể chống lại trào lưu cách mạng đã phải năm im, chúng ngầm móc nối với quan tây đồn Tứ Mỹ chờ đợi thời cơ chống lại cách mạng.

          Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, đình làng Đôn Mỹ vừa là trụ sở làm việc của Ủy ban cách mạng, vừa là nơi mở các lớp bình dân học vụ, lớp học ban ngày, lớp học ban đêm, nhanh chóng thanh toán nạn mù chữ cho dân và cả những lớp  vỡ lòng còn gọi là lớp vỡ dạ.

          Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc, Đình làng Đôn Mỹ là địa danh chứng kiến sự tiễn đưa của 581 người con của làng gia nhập quân đội. Tháng 3 năm 1960, Đình làng Đôn Mỹ là nơi chứng kiến sự ra đời Đảng bộ Sơn Trà với hơn 144 đảng viên.

          Trải qua bao thăng trầm của lịch sử theo dòng chảy của thời gian, Đình làng Đôn Mỹ là địa danh ẩn chứa bao câu chuyện xẩy ra với làng từ chuyện vui, chuyện buồn, chuyện đã làm được và những chủ trương của Đảng bộ đã và đang làm trong quá trình xây dựng và phát triển xóm làng đi tới ấm no hạnh phúc cho người dân. Đình làng Đôn Mỹ quả là một biểu tượng truyền thống mang tính cộng đồng.

          Đền Cả  còn có tên gọi là Điện Kim Sơn. Đền Cả có cấu trúc khép kín gồm nhà thượng điện, trung điện và hạ điện. Các tòa nhà được xây dựng trong những thời điểm khác nhau. Ngôi nhà hạ điện được chạm trổ rất tinh vi, thể hiện phong cách độc đáo kiến trúc nghệ thuật thời Hậu Lê. Hai bên nhà trung điện có tượng hộ pháp uy nghi, trước đền có đôi voi chầu rồi miếu thờ và xa là cổng đền. Trong đền còn lưu giữ 20 hiện vật các loại và nhiều đồ thờ cúng.

          Dựa theo hồ sơ di tích, đền thờ Đức Thánh Cả ở Sơn Trà ghi nhớ công lao của những người đã tiên phong mở cỏi đánh giặc ngoại xâm, giữ yên sự hưng thịnh thái bình cho muôn dân trăm họ. Đền thờ các vị thần: Kê Quan Sơn, Trà Sơn công chúa, Đệ Tam thánh mẫu, Mạo Sơn, Kim Quy Sơn, Kiều Sơn, Cao Sơn, Cao Các, danh tướng Lê Hữu Dung, cha con Cao Hữu Sơn. Lễ hội Đền Cả được tổ chức vào ngày 15/6 âm lịch hàng năm.

          Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, Đền Cả cũng có lúc là nơi tập kết lương thực, vũ khí, vận chuyển sang nước bạn Lào. Máy bay Mỹ có một số lần thả pháo sáng thăm dò khu vực đền và ném bom xuống một vị trí gần đền như dêm 17/81968.

          Đền Cả là niềm tự hào của người dân Đôn Mỹ xưa, người dân Sơn Trà ngày nay./.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin cùng chuyên mục

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
      Bản đồ hành chính
       Liên kết website
      Thống kê: 248.650
      Online: 35