1. Kỹ thuật ngâm, ủ
- Dùng nước sạch để ngâm giống.
- Khối lượng thóc so với khối lượng nước theo tỷ lệ 1: 5 (1 phần thóc: 5 phần nước)
- Xử lý hạt giống: Đây là biện pháp quan trọng nhằm tiêu diệt nguồn bệnh trên hạt giống ngay từ đầu, hạn chế lây lan ra ngoài đồng ruộng. Biện pháp xử lý: Ngâm trong nước nóng 540C trong 10 phút (Pha nước theo tỷ lệ 3 sôi 2 lạnh sau đó đổ thóc vào ngâm).
- Thời gian ngâm giống đối với lúa lai từ 16 - 20 giờ; đối với lúa thuần 24 -30 giờ (tuỳ theo nhiệt độ khi ngâm) cho đến khi hạt thóc no nước có phôi nổi trắng.
- Trong quá trình ngâm cứ 6 giờ đãi chua, thay nước 1 lần (nên thay bằng nước ấm). Lưu ý, làm nhẹ tay để tránh bong tróc vỏ trấu.
Sau khi hạt lúa no nước, đãi sạch, để ráo nước rồi mới ủ nảy mầm. Không ủ trong phân chuồng, trong túi nilong, bao tải dứa hay tiếp xúc trực tiếp nền xi măng để tránh hỏng giống. Nên quây rơm rạ để ủ, nhiệt độ thấp nên ủ trong nhà.
Để đảm bảo tỷ lệ nảy mầm của hạt giống cao và đều, phải giữ nhiệt độ của đống thóc khi ủ vào khoảng 30-330C, mỗi ngày phải kiểm tra khối giống 1 lần để điều chỉnh nhiệt độ, ẩm độ trong quá trình ủ.
Kiểm tra khi mầm đạt tiêu chuẩn (mầm có chiều dài bằng 1/2 hạt thóc, rễ dài bằng hạt) thì đem gieo.
2. Kỹ thuật làm đất, gieo mạ:
- Làm đất: Nhuần nhuyễn, sạch cỏ dại, thuận lợi cho việc tưới tiêu, chia luống rộng 0,8 - 1 m theo chiều rút nước của ruộng, trang phẳng mặt luống sao cho không đọng nước ở mặt luống. Mỗi sào lúa cấy cần từ 10 – 15m2 đất gieo mạ (đối với mạ dày xúc). Tỷ lệ 1 mạ 8- 10 ruộng lúa.
- Bón phân lót: 1 sào mạ cần 2-3 tạ phân chuồng hoai mục bón trước khi bừa lần cuối và 5-7 kg phân tổng hợp NPK 5.10.3, hoặc 10-15 kg phân supe lân bón rải và trộn đều trong đất trước khi trang phẳng mặt luống.
- Gieo mạ: Gieo mạ thưa để cây mạ to khỏe, chú ý gieo mạnh tay để mộng mạ chìm xuống bùn giúp giữ ấm chân mạ, giảm các tác động xấu khi thời tiết thay đổi nắng, mưa, lạnh; Nên gieo khoảng 20 - 25 kg thóc lúa lai/ sào, 30 - 35kg lúa thuần/ sào đất mạ, bà con nên chia lượng giống ra làm 2 - 3 lần gieo thì mật độ sẽ đồng đều.
3. Che phủ nilon và chăm sóc mạ:
- Che phủ nilon cho mạ: Vụ xuân có nhiệt độ thấp, rét đậm, rét hại thường xuyên xuất hiện, nếu mạ không được bảo vệ cẩn thận dễ bị chết, gây thiệt hại lớn cho sản xuất, do đó bà con nhất thiết phải áp dụng biện pháp che phủ nilon để bảo vệ mạ. Dùng các thanh tre rộng 2cm, dày 0,6 – 0,8cm, dài 2 – 2,2m; cứ 1,5 - 2m dài luống mạ cắm một thanh uốn theo hình vòm cống cách mép luống 5 - 10cm, sao cho độ cao khung giàn tre từ 50 – 60 cm. Buộc liên kết các thanh vòm với nhau bằng một thanh tre dài theo chiều dọc luống cho chắc chắn. Dùng nilon màu trắng trong khổ 1,2 - 1,4 m trùm kín theo chiều dài luống mạ, lấy bùn ở rãnh luống chèn kín kỹ xung quanh mép nilon phủ 2 bên và 2 đầu luống, đảm bảo luống mạ được che kín hoàn toàn sau khi gieo để tránh bị gió lùa làm bung nilon, chuột chui vào trong luống mạ.
- Chăm sóc mạ: Giữ cho mạ luôn luôn đủ ẩm sau khi gieo, khi mạ đạt 1,5 lá đưa nước láng mặt luống mạ nhằm giữ ấm chân mạ (đối với mạ gieo trên ruộng). Những ngày nhiệt độ ≥ 250C, ban ngày mở cửa hai đầu luống; nhiệt độ ≥ 280C mở nilon hoàn toàn để điều hòa không khí, chiều tối tiếp tục che lại. Trước khi cấy 5 - 7 ngày cần mở dần nilon luyện cho mạ quen với môi trường.
* Chú ý: Khi chăm sóc mạ vụ xuân bà con không nên bón đạm thúc cho mạ, đặc biệt ở giai đoạn trước khi cấy vì cây mạ sẽ non, mềm, không đanh dảnh, chống chịu kém, rất dễ chết khi cấy ra ruộng gặp rét. Nên hòa loảng lân và kali để tưới, tỷ lệ 2kg supe lân + 1 kali cho 1 sào 500m2.
ĐÁNH GIÁ MỘT SỐ GIỐNG MỚI VỤ XUÂN 2022
+ Giống Lai thơm 6: Vụ Xuân 2021, sản xuất mô hình trình diễn tại xã Sơn Lễ cho năng suất đạt 58,88 tạ/ha. Vụ Xuân năm 2022, lai thơm 6 được chọn đưa vào sản xuất diện rộng hơn, thể hiện tính chống chịu khá với bệnh đạo ôn, nhiễm nhẹ bệnh khô vằn và bạc lá vi khuẩn, năng suất trung bình đạt 54,4 tạ/ha, so với dòng lúa lai như nhị ưu 838 năng suất kém khoảng 1 tạ/ha. Xã có năng suất cao là Sơn Tây (63,8 tạ/ha), xã có năng suất thấp là Sơn Lễ (52,4 tạ/ha), Kim Hoa (52 tạ/ha).
+ Giống Hương Bình: là giống có thời gian sinh trưởng vụ xuân khoảng 115-125 ngày có khả năng chống chịu tốt với các điều kiện tự nhiên như rét đậm, rét hại và các đối tượng sâu bệnh hại, nhiễm nhẹ bệnh đạo ôn lá và đạo ôn cổ bông, không nhiễm bệnh bạc lá. Trong vụ xuân 2022 không nhiễm các loại sâu bệnh hại. Là giống cho năng suất cao, chất lượng tốt. Vụ Xuân 2022 sản xuất 0,5ha tại xã Sơn Bình, năng suất đạt 410kg/sào.
+ Giống VNR10: Thời gian sinh trưởng 125-130 ngày, chiều cao cây 95 - 100 cm, lá đòng phẳng, bản lá trung bình, thế lá thẳng. Đẻ nhánh khỏe tập trung, gọn khóm. Hạt gạo trắng trong không bạc bụng, cơm trắng, bóng, mềm, vị đậm. Giống VNR10 thấp cây chống đổ tốt, chống chịu trung bình với một số loại sâu bệnh hại chính, thích hợp với chân ruộng vàn và vàn cao. Vụ Xuân 2022 sản xuất 0,5ha tại xã Tân Mỹ Hà năng suất đạt 60 tạ/ha
+ Giống Hà phát 3: Vụ Xuân 2022, triển khai mô hình thí điểm 3,1 ha tại xã Tân Mỹ Hà; giống có thời gian sinh trưởng trong vụ Xuân từ 125 – 130 ngày, lúa sinh trưởng và phát triển tốt, đẻ nhánh khá, đẻ nhánh tập trung, thân cứng, chống đổ tốt, chịu thâm canh, chống chịu tốt với nhiều loại sâu bệnh, bộ lá xanh nhạt, dạng đứng, chiều cao cây khoảng 107cm, có khả năng chống đổ tốt, trổ bông tập trung, chín đồng đều. Số bông đạt từ 280 – 298 bông/m2, số hạt/bông đạt từ 142 – 150 hạt, khối lượng 1.000 hạt từ 23,7 – 25,8g, tỷ lệ hạt chắc đạt cao trên 85%, chất lượng gạo ngon, gạo trong, cơm mềm, vị đậm, hạt thon, ít rụng, là giống chịu lạnh, có khả năng thích ứng rộng, thích hợp trên đất vàn, vàn thấp và vàn cao. Năng suất bình quân đạt 6,5- 7,5 tấn/ha, thâm canh tốt đạt 8 tấn/ha.
+ Giống QP5: Vụ Xuân 2021, giống QP5 được chọn sản xuất mô hình trình diễn tại xã Kim Hoa, diện tích 2,61ha, năng suất đạt 58,5 tạ/ha. Vụ Xuân 2022, toàn huyện sản xuất 75,9 ha, năng suất ước đạt 58,5 tạ/ha. Đây là giống có khả năng kháng chịu sâu bệnh khá, thích hợp với chân ruộng vàn và vàn cao.
+ Giống lúa thuần VNR 20: đẻ nhánh khá, đẻ tập trung, góc lá hẹp, thời gian sinh trưởng vụ xuân khoảng 120-130 ngày, có tiềm năng năng suất cao, chất lượng gạo ngon, chiều cao cây dao động từ 92 – 97cm, chống đổ ngã tốt, tính chống chịu với sâu bệnh khá đặc biệt là với bệnh đạo ôn và bạc lá.