Lệ phí đăng ký thường trú, tạm trú từ ngày 05/02/2023; Quy định về thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án; Bổ sung trường hợp TCTD không phải đáp ứng tỷ lệ nợ xấu dưới 3% khi mua nợ;… là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ đầu tháng 02//2023 (từ ngày 01 - 10/02/2023).

1. Lệ phí đăng ký thường trú, tạm trú từ ngày 05/02/2023
 
Thông tư 75/2022/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý lệ phí đăng ký cư trú do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành, có hiệu lực từ ngày 05/02/2023.
 
Theo đó, mức thu đăng ký thường trú là 20.000 đồng/lần đối với công dân nộp hồ sơ trực tiếp và 10.000 đồng/lần với công dân nộp hồ sơ online.
 
Đối với đăng ký tạm trú, gia hạn tạm trú cho cá nhân, hộ gia đình thì mức phí lần lượt là 15.000 đồng/lần với công dân nộp hồ sơ trực tiếp và 7.000 đồng/lần với công dân nộp hồ sơ online.
 
Trường hợp đăng ký tạm trú, gia hạn tạm trú theo danh sách thì mức thu lần lượt là 10.000 đồng/người/lần khi nộp hồ sơ trực tiếp và 5.000 đồng/người/lần khi nộp hồ sơ online.
 
Ngoài ra, mức thu khi công dân tách hộ là 10.000 đồng/lần khi nộp hồ sơ trực tiếp và 5.000 đồng/lần khi nộp hồ sơ online.
 
2. Quy định về thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án
 
Pháp lệnh 03/2022/UBTVQH15 về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân có hiệu lực từ ngày 01/02/2023 và thay thế Pháp lệnh 09/2014/UBTVQH13 .
 
Trong đó quy định đối với những vụ việc đã được Tòa án nhân dân cấp huyện thụ lý, giải quyết theo quy định tại Pháp lệnh 09/2014 nhưng đến ngày 01/02/2023 chưa kết thúc thì tiếp tục áp dụng quy định của Pháp lệnh 09/2014 để xem xét, giải quyết cho đến khi kết thúc vụ việc, trừ các nội dung sau đây thì áp dụng quy định của Pháp lệnh 03/2022/UBTVQH15 :
 
(1) Các quy định bảo đảm thủ tục thân thiện đối với người chưa thành niên tại khoản 1 và khoản 3 Điều 2, khoản 1 Điều 10, khoản 2 và khoản 3 Điều 13, khoản 3 Điều 18, điểm e khoản 3 và khoản 4 Điều 21, điểm d khoản 4 Điều 34, khoản 1 và điểm đ khoản 3 Điều 35 của Pháp lệnh 03/2022/UBTVQH15 ;
 
(2) Việc đình chỉ xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính quy định tại điểm h khoản 1 Điều 16 của Pháp lệnh 03/2022/UBTVQH15 ;
 
(3) Việc áp dụng biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng;
 
(4) Các quy định khác của Pháp lệnh này có lợi cho người bị đề nghị.
 
Đối với những vụ việc đã được Tòa án nhân dân cấp huyện giải quyết theo quy định của Pháp lệnh 09/2014/UBTVQH13 mà có khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị thì từ ngày 01/02/2023 Tòa án nhân dân cấp tỉnh giải quyết theo Pháp lệnh 09/2014/UBTVQH13 , trừ các nội dung quy định tại các điểm (1), (2), (3), (4) thì áp dụng quy định của Pháp lệnh 03/2022/UBTVQH15 .
 
3. Bổ sung trường hợp TCTD không phải đáp ứng tỷ lệ nợ xấu dưới 3% khi mua nợ
 
Đây là điểm mới tại Thông tư 18/2022/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 09/2015/TT-NHNN quy định về hoạt động mua, bán nợ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước, có hiệu lực từ ngày 09/02/2023.
 
Cụ thể, trường hợp tổ chức tín dụng không phải đáp ứng tỷ lệ nợ xấu dưới 3% khi mua nợ gồm:
 
- TCTD được kiểm soát đặc biệt thực hiện mua nợ đủ tiêu chuẩn theo quy định tại khoản 2 Điều 146a Luật Các tổ chức tín dụng;
 
- TCTD được kiểm soát đặc biệt thực hiện mua nợ đủ tiêu chuẩn của tổ chức tín dụng hỗ trợ theo phương án phục hồi tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt đã được phê duyệt theo quy định tại khoản 1 Điều 148b Luật Các tổ chức tín dụng;
 
- Ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc mua nợ đủ tiêu chuẩn của tổ chức tín dụng nhận chuyển giao bắt buộc theo phương án chuyển giao bắt buộc đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
 
- Các trường hợp mua nợ quy định tại điểm a(ii), a(iii) khoản 6 Điều 5 Thông tư 09/2015/TT-NHNN (sửa đổi tại Thông tư 18/2022/TT-NHNN ), cụ thể:
 
+ TCTD hỗ trợ mua lại khoản nợ đã bán cho TCTD được kiểm soát đặc biệt theo phương án phục hồi TCTD được kiểm soát đặc biệt đã được phê duyệt theo quy định tại khoản 6 Điều 148đ Luật Các tổ chức tín dụng;
 
+ TCTD nhận chuyển giao bắt buộc mua lại khoản nợ đã bán cho ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc theo quy định tại điểm c khoản 12 Điều 5 Thông tư 09/2015/TT-NHNN (sửa đổi tại Thông tư 18/2022/TT-NHNN ).
 
4. Thông tin về xe mô tô, xe gắn máy trong CSDL đăng kiểm phương tiện
 
Thông tư 28/2022/TT-BGTVT quy định về quản lý, duy trì, chia sẻ và đảm bảo an toàn thông tin dữ liệu đăng kiểm phương tiện giao thông vận tải do Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải ban hành, có hiệu lực từ ngày 01/02/2023.
 
Theo đó, thông tin về xe mô tô, xe gắn máy trong CSDL đăng kiểm phương tiện được quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 28/2022/TT-BGTVT , đơn cử như:
 
- Nguồn gốc: Nguồn gốc là xe sản xuất lắp ráp trong nước hay nhập khẩu;
 
- Số giấy chứng nhận: Số giấy chứng nhận kiểu loại đối với xe sản xuất trong nước hoặc số chứng chỉ đối với xe nhập khẩu;
 
- Ngày cấp giấy chứng nhận: (ngày/tháng/năm);
 
- Nhãn hiệu;
 
- Tên thương mại;
 
- Mã kiểu loại;...
 
Xem chi tiết tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 28/2022/TT-BGTVT ./.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ hành chính
     Liên kết website
    Thống kê: 248.984
    Online: 7