Văn bản số 01/HD-TrT ngày 03/01/2023 của Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện hướng dẫn một số biện pháp kỹ thuật trồng và chăm sóc cây lúa vụ Xuân 2023.

Theo kế hoạch, vụ Xuân 2023, huyện Hương Sơn gieo cấy 4.680 ha, đây là vụ sản xuất chính quyết định sản lượng lương thực của cả năm. Thực hiện Đề Án số 135/ĐA-UBND ngày 15 tháng 11 năm 2022 của ủy ban nhân dân huyện Hương Sơn về Đề án sản xuất vụ Xuân 2023, Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi hướng dẫn một số biện pháp kỹ thuật như sau:

Hương Sơn là huyện miền núi, điều kiện khí hậu đất đai, thổ nhưỡng chịu ảnh hưởng trực tiếp chia cắt của hệ thống sông ngòi, chính vì vậy cơ cấu giống lúa trên tiểu vùng khí hậu cũng khác nhau, trình độ thâm canh, mức đầu tư của từng vùng cũng khác nhau, thực hiện cơ giới hóa còn nhiều khó khăn, chưa đồng bộ, giá trị sản xuất chưa cao.

1. Giống.

- Lúa lai: Nhị ưu 838, Thái Xuyên 111, Lai thơm 6, Ly2009, Long Hương 8117, CT16, TH3-5, MHC2 định hướng bố trí sản xuất tại các vùng đất tốt, đủ nước, trình độ thâm canh cao.

- Lúa thuần:

+ Các giống đại trà sản xuất qua nhiều năm, nhiều vùng sinh thái, thổ nhưỡng: HT1, N98, N87, Khang dân đột biến, Khang dân 18, Xuân Mai, Bắc Thịnh, Hà Phát 3, BT09, PC6.

+ Các giống mới có tiềm năng về năng suất, tính thích ứng: ADI28, VNR10, HDT10, HD11, DDB6, DDT37, DQ11, Hana số 7.

2. Lịch thời vụ.

Vụ Xuân 2023, thời điểm xuống giống các trà lúa cơ bản trùng với tiết Đại Hàn - Lập Xuân khả năng sẽ gặp rét đậm rét hại; giai đoạn lúa trổ bông vào đầu tháng 3 âm lịch nên nguy cơ gặp gió mùa Đông Bắc rất cao. Vì vậy cần tuân thủ đúng khung lịch thời vụ.

Căn cứ thời gian sinh trưởng của từng giống để bắc mạ trong khung thời vụ từ 10/01/2022 - 8/02/2023.  Đối với những địa phương có lợi thế về địa hình, tưới tiêu thuận lợi và có tập quán gieo thẳng, lịch gieo thẳng theo thời vụ bắc mạ.Trong cùng một nhóm giống phải xem xét thời gian sinh trưởng cụ thể của từng giống để bố trí gieo cấy hợp lý, giống có thời gian sinh trưởng dài hơn bố trí đầu khung thời vụ, giống có thời gian sinh trưởng ngắn hơn bố trí cuối khung thời vụ.

3. Giải pháp kỹ thuật.

3.1. Chuẩn bị ruộng.

Nên cày bừa, làm sạch cỏ dại, làm dầm, làm ải trước gieo cấy 1 – 2 tháng.

Làm ruộng bằng phẳng, thoát nước tốt nên chia luống để gieo, thuận lợi trong chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh.

3.2. Phương pháp ngâm ủ hạt giống.

- Dùng nước nóng 3 sôi – 2 lạnh (nhiệt độ 540C) để ngâm trong khoảng 15 phút, sau đó vớt ra, đãi sạch, ngâm trong nước ấm, tỷ lệ 1 lúa : 3 nước, cứ 6 – 8 giờ tiến hành thay nước, đối với lúa lai nên ngâm đủ 18 - 24 giờ đồng hồ, lúa thuần ngâm từ 36 – 48 giờ tùy thuộc vào nhiệt độ môi trường. Đến khi hạt giống có đầu phôi nổi trắng thì tiến hành ủ. Có thể dùng phương pháp ngâm ngót, ngày ngâm, đêm ủ.

- Điều kiện hạt giống nẩy mầm ở nhiệt độ 30 – 380C

- Nên ủ trong rơm rạ, túi dứa (bao tải thưa), thùng xốp...

- Không nên dùng túi nilon, xô nhựa, chậu nhựa, bao bì có chứa chất nilon để ủ giống.

- Không chồng các túi giống lên nhau, không ủ trong phân chuồng.

- Hàng ngày kiểm tra nhiệt độ khối giống để điều chỉnh nhiệt độ và độ ẩm hợp lý.

- Hạt giống đạt tiêu chuẩn để gieo: Khi rễ dài bằng chiều hài hạt lúa, mầm bằng ½ hạt lúa thì đem gieo.

3.3. Bón Phân.

- Vôi: Sử dụng 20 – 25kg/sào, nên bón trước khi gieo, cấy từ 20 – 30 ngày.

* Bón lót.

- Phân chuồng: Sử dụng phân chuồng hoai mục, lượng bón: 300 – 500 kg/sào.

- Phân Super lân: lượng bón 25kg/sào.

- Phân NPK: Tùy lượng phân chuồng, phân super lân đã bón lót mà quyết định lượng phân NPK, thường bón lót dao động từ 10 – 20kg/sào.

Tất cả phân bón khi bừa lần cuối để gieo, cấy.

- Bón thúc.

+ Bón thúc 1 (bón đẻ nhánh): Khi cây lúa bắt đầu xuất hiện nhánh đầu tiên (có ngạnh trê), sau gieo từ 18 – 25 ngày (tùy điều kiện thời tiết) tiến hành bón thúc, lượng bón cho 1 sào: 3kg đạm ure + 3kg kali + 1kg Bosica.

+ Bón thúc 2 ( bón thúc đòng): Căn cứ thời gian lúa trỗ để xác định thời điểm bón, thông thường bón khi ruộng lúa chuyển màu vàng sáng, chóp lá có thắt eo. Lượng bón: 3kg đạm ure + 4kg kali + 1kg Bosica (đối với thúa thuần); 3kg đạm ure + 6kg kali + 1kg Bosica (đối với lúa lai). Bà con nên căn cứ vào màu lá lúa để quyết định lượng phân bón phù hợp, nếu lá có màu xanh đậm bà con nên giảm lượng đạm ure, nếu lá có màu xanh sáng thì bón đủ lượng ure.

4. Phòng trừ sâu bệnh.

Căn cứ vào QCVN 01-38:2010/BNNPTNT quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phương pháp điều tra phát hiện dịch hại cây trồng.

Căn cứ vào giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây trồng có các đối tượng dịch hại sau:

  • Giai đoạn gieo – 3 lá: Gồm bọ trĩ, rầy rệp, ốc bươu vàng, chuột;

Giai đoạn đẻ nhánh: Bọ trĩ, rầy rệp, ốc bươu vàng, ruồi đục nõn, đạo ôn lá, ngộ độc hữu cơ;

- Giai đoạn phân hóa đòng – trỗ: Đạo ôn lá, đạo ôn cổ lá, bệnh khô vằn, đốm sọc vi khuẩn, bạc lá, sâu đục thân, sâu cuốn lá, chuột;

- Giai đoạn trỗ - chín: Đạo ôn lá, đạo ôn cổ lá, đạo ôn cổ bông, khô vằn, lem lép hạt, chuột, đốm nâu, bạc lá, đốm sọc vi khuẩn;

Tùy vào diễn biến dịch hại Trung tâm Ứng dụng khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi sẽ có hướng dẫn cụ thể.

Trung tâm UDKHKT&BVCTVN

Tệp đính kèm


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ hành chính
     Liên kết website
    Thống kê: 248.777
    Online: 84