Bác đã đến nói chuyện với Hội nghị Mặt trận Tổ quốc tỉnh. Tại Hội nghị, Bác đã biểu dương những đóng góp to lớn của Nhân dân Hà Tĩnh trong 9 năm kháng chiến và trong xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội từ sau ngày hoà bình lập lại. Bác đặc biệt khen ngợi các bà mẹ chiến sỹ đã hết lòng giúp đỡ thương binh, bệnh binh: “Một tỉnh nhỏ như Hà Tĩnh đã có 2.900 anh em thương binh về xã được sự giúp đỡ của Nhân dân để sản xuất tự túc. Đó là thành tích đáng kể”. Bác khen về thành tích trong công tác thủy nông, về tổ đổi công, về ngày công phục vụ tiền tuyến, đóng góp lương thực... Bác cũng thẳng thắn phê bình những khuyết điểm, yếu kém. Người chỉ rõ: “Đồng bào nông thôn, nhất là nông dân lao động chưa đoàn kết chặt chẽ, đó là khuyết điểm quan trọng...”; “Ý thức bảo vệ của công kém, như việc bảo vệ rừng... Hà Tĩnh chẳng những bảo vệ kém, mà một số lại tự do chặt phá... Một số đồng bào chưa thật sốt sắng đóng thuế nông nghiệp, các thuế khác như công thương chưa nạp kịp thời và đầy đủ”, “việc vay vốn ngân hàng, một số đồng bào vay rồi không hăng hái trả”. Bác phê bình: “thuần phong mỹ tục kém sút, có một số người rượu chè, cờ bạc. Say thì sưa, nói dại, làm dại, ăn cắp, ăn trộm hại đến sản xuất, hại đến tiết kiệm, hại đến đạo đức. Có một số người đồng bóng lạc hậu, mê tín bị những kẻ xấu lợi dụng xoáy tiền”.
Bác căn dặn: “Cần phải đoàn kết chặt chẽ thành một khối. Phải đoàn kết giữa lương và giáo, giữa quân và dân, giữa miền Bắc và miền Nam”, “phải ra sức đắp đê chống lụt, chống hạn, phòng hạn cho kịp thời”, “phải sẵn sàng đóng thuế, trả nợ một cách sòng phẳng”, “phải chú ý hoa màu, cố gắng sản xuất mọi mặt”; “đề cao ý thức bảo vệ tài sản chung của Nhà nước, đồng thời phải giữ gìn an ninh, trật tự ở nông thôn”, “phải xây dựng lại thuần phong mỹ tục”, “đề cao kỷ luật lao động trong sản xuất, trong công tác...”. Cuối cùng Bác nhắc nhở “Chúng ta phải sẵn sàng vì miền Bắc, đấu tranh thống nhất nước nhà”...
Sau cuộc gặp và nói chuyện thân mật với các đại biểu tại Hội nghị Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Bác đến nói chuyện với đại biểu, cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên, bộ đội tỉnh Hà Tĩnh. Mở đầu cuộc nói chuyện, Người nói “có mấy điều nêu lên để các đồng chí ghi nhớ và cố gắng thực hành”, đồng thời Bác nêu lên những ưu điểm, khuyết điểm của Hà Tĩnh, chỉ rõ những nhiệm vụ trước mắt.
Bác biểu dương: “... Cán bộ trong Đảng và ngoài Đảng, các đoàn viên thanh niên lao động đã tích cực công tác... Các đồng chí đều tin tưởng vào Trung ương, vào Đảng, vào lực lượng của mình; đã cố gắng trong cải cách ruộng đất và sửa sai; đã cố gắng kiện toàn tổ chức; cố gắng cùng Nhân dân và lãnh đạo Nhân dân tăng gia sản xuất...”. Bác nêu một số tấm gương tiêu biểu như đồng chí Bí thư chi bộ Kỳ Hải đã ngâm mình dưới nước ngăn dòng lũ cho Nhân dân đắp chỗ đê sụt lở là “biết hy sinh cho dân”; chị Thiện nghèo, có bệnh vẫn hăng hái vận động bà con vùng giáo lập tổ đổi công “chẳng những trong nữ giới mà nam giới cũng phải noi theo”.
Rồi Bác nghiêm khắc chỉ ra: “Có hiện tượng trong và ngoài Đảng, cán bộ cũ và cán bộ mới, đoàn kết kém”. Bác phân tích: “Các cô, các chú biết đoàn kết là sức mạnh của mình. Nhờ đoàn kết mà cách mạng thành công, kháng chiến thắng lợi; nhờ đoàn kết mà chúng ta vượt qua nhiều khó khăn làm tròn nhiệm vụ. Chúng ta kém đoàn kết làm lực lượng ta kém sút một phần. Vì vậy, khuyết điểm ấy phải cố gắng sửa chữa cho kỳ được”. Bác nêu khuyết điểm: “ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm kém...” và giải thích rõ: “nếu kém ý thức tổ chức là làm cho lực lượng Đảng ta yếu đi một phần..., muốn mọi chính sách của Đảng thực hiện được thì phải có kỷ luật... Nếu sợ khó, không thích làm, hoặc chọn việc dễ, là không có tinh thần trách nhiệm, làm giảm bớt lực lượng của Đảng...”; “suy bì so sánh cá nhân, thắc mắc về phụ cấp, cấp bậc...”, “cấp trên cấp dưới, trong Đảng và ngoài Đảng, quan hệ chưa mật thiết...”, “dân chủ phải thực hiện từ trên xuống dưới. Tự phê bình phải thật thà, phê bình phải thành khẩn, không mỉa mai, nói xấu...”.
Bác nhắc nhở : “Đảng viên, cán bộ trong và ngoài Đảng phải một lòng một dạ phục vụ Nhân dân, phục vụ giai cấp”, “Có những bộ phận tham ô, lãng phí, không tôn trọng của công, không thương xót mồ hôi, nước mắt của đồng bào... như vậy là có tội với chính phủ và Nhân dân”; “... Đảng viên, cán bộ ở Nghệ An cũng như ở Hà Tĩnh, một số có óc công thần, cho rằng “choa” đây là cách mạng trước hết, có nhiều công đã tổ chức ra Xô viết... nên tự kiêu, tự đại không coi ai ra gì, độ lượng nhỏ bé, thái độ thiếu khiêm tốn...”; “càng có công lao, càng phải khiêm tốn, gần gũi giúp đỡ người khác...”; “Chứ vác mặt lên trời, làm quan cách mạng, lão thành cách mạng thì không ăn thua gì”...
Sau khi nghiêm khắc phê bình, Bác nhấn mạnh: “Đảng ta không phải là Đảng làm quan mà Đảng phải lo đời sống cho dân, trước mắt là sản xuất, giữ gìn sản xuất, chủ yếu là đắp đê”, “phải cố gắng sửa sai cho tốt, gọn”, “phải chú ý tăng gia sản xuất”. Bác chỉ nói một điểm rất đơn giản “có thực mới vực được đạo” đó là duy vật, đó là gốc của chủ nghĩa Mác - Lênin. Muốn ăn là phải sản xuất, trước hết chăm lo vụ Bát, vụ Mười cho tốt, chăm sóc tốt chưa đủ. Nghề nông phải đấu tranh với đất là làm cỏ, bón phân, cày bừa kỹ; đấu tranh với trời là chống thiên tai như sâu, chuột, bão lụt, hạn hán. Vì vậy, ngoài việc chăm bón, làm cỏ, bỏ phân thì việc đắp đê chống lụt rất cần, mà đê ở đây đắp chậm...”. “Muốn tiến lên CNXH thì phải xây dựng. Nhờ các nước bạn giúp đỡ, giai cấp công nhân cố gắng mà ta đang xây dựng được khá nhiều xí nghiệp... Muốn xây dựng phải có tiền. Tiền ở đâu ra? Tiền ở Nhân dân, tức là ở nông dân và công thương. Phải cố gắng thu thuế kịp thời, gọn, tốt”. “Phải nâng cao chí khí chiến đấu, cảnh giác; mở rộng chế độ tự phê bình và phê bình, nâng cao tinh thần kỷ luật, tinh thần trách nhiệm, đẩy mạnh sản xuất, thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí”. Đặc biệt Bác căn dặn “phải đoàn kết chặt chẽ, đoàn kết nội bộ, đoàn kết Nhân dân, mỗi người phải tin chắc làm được”; “Có đoàn kết, quyết tâm, tin tưởng thì việc gì cũng làm được”…
Kết thúc buổi nói chuyện, Người căn dặn: “Phải đoàn kết. Đó là cái gốc”. Cũng tại hội nghị Bác đã tặng 100 huy hiệu làm giải thưởng cho các phong trào thi đua yêu nước.
Sau bữa cơm trưa, Bác nói chuyện với Trung đoàn 812 của Khu 6 (Nam Trung bộ). Sau khi nghe đồng chí Trung đoàn trưởng Phan Ty báo cáo tình hình của đơn vị, Bác nhắc nhở cán bộ chiến sĩ phải giữ gìn đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân, hoàn thành tốt kế hoạch huấn luyện, sẵn sàng nhận nhiệm vụ cấp trên giao. Tiếp đến, Bác đi thăm cơ quan Tỉnh ủy, vào Ban Tuyên huấn, Ban Tổ chức và Văn phòng Tỉnh uỷ gặp gỡ trên 50 anh chị em cán bộ, nhân viên cơ quan Tỉnh ủy.
Khoảng 15 giờ, Bác chào mọi người và lên đường ra Vinh (Nghệ An).
Sau năm 1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn quan tâm đến tình hình của Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh, Bác thường viết thư, điện thăm hỏi và chúc mừng Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh, nhất là khi quân và dân Hà Tĩnh bắn rơi máy bay Mỹ. Đặc biệt ngày 06/7/1966, Bác đã trực tiếp nói chuyện với Đoàn cán bộ Hà Tĩnh nhân dịp Đoàn đi tham quan học tập kỹ thuật thâm canh lúa ở tỉnh Thái Bình về. Tại buổi nói chuyện này Bác đã căn dặn “Hà Tĩnh phải làm sao cho tình hình nổi bật lên. Các đồng chí có làm được thế không? Làm được chứ? Miễn là lãnh đạo phải có quyết tâm, có tinh thần tự lực cánh sinh, biết lắng nghe ý kiến quần chúng”...
3. Ý nghĩa của chuyến thăm
Chuyến về thăm Hà Tĩnh của Bác Hồ đã để lại trong lòng cán bộ, đảng viên và Nhân dân tỉnh nhà những ấn tượng đậm sâu. Những lời dạy bảo của Bác rất ân cần, sát thực tế và rất cởi mở, vừa nhẹ nhàng, vừa sâu sắc, chứa đựng các quan điểm, đường lối, phương hướng, nhiệm vụ của Đảng, soi đường, dẫn lối cho Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh phát huy những thành tích đã đạt được, sửa chữa kịp thời những sai lầm, khuyết điểm, cùng nhau đoàn kết khắc phục khó khăn, phấn đấu đưa phong trào tỉnh nhà tiếp tục tiến lên.
Chuyến thăm thể hiện tình cảm và sự quan tâm đặc biệt của Trung ương Đảng, của Bác Hồ đối với Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh, đã củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Chính phủ; động viên, cổ vũ kịp thời cán bộ, đảng viên, Nhân dân Hà Tĩnh vượt qua khó khăn, thực hiện tốt nhiệm vụ sửa sai, chỉnh đốn tổ chức, ổn định tình hình và phát triển kinh tế - xã hội.
Sau sự kiện Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh, các phong trào thi đua đã diễn ra sôi nổi khắp các địa phương, cơ quan, trường học với quyết tâm hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ kháng chiến, kiến quốc.
Chuyến thăm Hà Tĩnh của Bác Hồ ngày 15/6/1957 đã góp phần giúp Trung ương Đảng, Chính phủ có thêm những bài học kinh nghiệm quý báu để lãnh đạo thực hiện công cuộc sửa sai, củng cố tổ chức và lãnh đạo, chỉ đạo công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và chuẩn bị cho sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Những lời dạy bảo của Người đối với cán bộ, đảng viên, đoàn viên, thanh niên, bộ đội và các tầng lớp Nhân dân Hà Tĩnh trong chuyến thăm không chỉ có ý nghĩa, tác dụng trong thời điểm lúc bấy giờ mà đến nay vẫn còn nguyên giá trị đối với Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh; có tác dụng nhắc nhở, động viên, cổ vũ cán bộ, đảng viên và Nhân dân ta đoàn kết thống nhất, phát huy truyền thống quê hương Xô Viết Nghệ - Tĩnh anh hùng, quyết tâm xây dựng Hà Tĩnh phát triển, giàu mạnh, văn minh.
II. 65 NĂM ĐẢNG BỘ VÀ NHÂN DÂN HÀ TĨNH THỰC HIỆN LỜI BÁC HỒ DẠY
Trong suốt 65 năm qua (1957-2022), những tình cảm sâu nặng của Bác đã trở thành động lực tinh thần to lớn, thôi thúc Đảng bộ và Nhân dân trong tỉnh không ngừng phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thách thức đạt được những thành tích quan trọng, có ý nghĩa to lớn trên tất cả các lĩnh vực để đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, tiếp tục thực hiện lời dạy của Bác “Hà Tĩnh phải làm sao cho tình hình nổi bật lên”.
Đảng bộ Hà Tĩnh là một trong những Đảng bộ ra đời sớm nhất trong toàn quốc và đi tiên phong trong Cao trào cách mạng 1930-1931. Cách mạng tháng Tám năm 1945, Hà Tĩnh là một trong bốn tỉnh của cả nước giành chính quyền về tay Nhân dân sớm nhất. Sau cách mạng Tháng Tám, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ, quân và dân Hà Tĩnh đã vươn lên xây dựng quê hương, dốc sức cho mặt trận, góp phần cùng cả nước đánh bại thực dân Pháp xâm lược và làm tròn nghĩa vụ quốc tế.
Sau khi hoàn thành công tác khắc phục những khuyết điểm, sai lầm trong cải cách ruộng đất, chỉnh đốn tổ chức và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 3 năm (1954-1957), Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh cùng với cả nước bước vào kế hoạch cải tạo xã hội chủ nghĩa và phát triển kinh tế - văn hoá (1958-1960) và kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965). Trong những năm tháng đó, các phong trào thi đua yêu nước đã được triển khai rộng khắp trong toàn tỉnh; quan hệ sản xuất mới ra đời, cơ sở vật chất được tăng cường, nhất là trong lĩnh vực giao thông, thủy lợi. Ra đời các công trình lớn như Đập Thượng Tuy, Bộc Nguyên, Vực Trống; các tuyến đường giao thông về các huyện, xã...; Kinh tế - xã hội đã có bước phát triển; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được cải thiện đặc biệt là văn hóa, giáo dục; Tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể được kiện toàn, củng cố; niềm tin của quần chúng Nhân dân đối với Đảng và chế độ ngày càng được nâng lên.
Trong những năm tháng chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, Hà Tĩnh là vị trí chiến lược quan trọng “Hậu phương của tiền tuyến lớn miền Nam, tiền tuyến của hậu phương lớn miền Bắc”. Mặc dù phải đương đầu với những thử thách ác liệt, chịu đựng những tổn thất, hy sinh to lớn, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, quân và dân Hà Tĩnh đã nêu cao ý chí tự lực tự cường, vươn lên mạnh mẽ với tinh thần “Xe chưa qua, nhà không tiếc”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Toàn tỉnh đã dấy lên phong trào “Thanh niên ba sẵn sàng”, “Phụ nữ ba đảm đang”, sản xuất giỏi, chiến đấu và phục vụ chiến đấu giỏi. Trong sản xuất đã xuất hiện nhiều điển hình thâm canh lúa đạt trên 5 tấn/ha, Đại Thanh, Mật Thiết, Trung Hòa, Cẩm Nam... đã có những nhà máy cơ khí hiện đại như Ấp Bắc, Thông Dụng; trong phong trào giáo dục xuất hiện ngọn cờ Cẩm Bình nổi tiếng cả nước. Trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, quân và dân Hà Tĩnh đã bắn rơi 267 máy bay, bắn chìm và bắn cháy 34 tàu chiến, tàu biệt kích của địch, trong đó có những máy bay hiện đại như “Cánh cụp”, “cánh xòe”, máy bay F105, máy bay trực thăng, bắt giặc lái...Với quyết tâm thi đua bắn rơi máy bay địch, nhiều đơn vị đã nổi lên như Tiểu đoàn 8 pháo cao xạ đã kiên cường đánh địch bảo vệ tuyến đường số 1, bắn rơi 07 máy bay Mỹ; các đơn vị nữ dân quân Kỳ Phương (Kỳ Anh), Thạch Đỉnh (Thạch Hà) và lão dân quân Kỳ Tiến (Kỳ Anh) đều bắn rơi máy bay Mỹ… Nhiều địa danh, tên đất, tên làng đã đi vào lịch sử như là huyền thoại với những chiến công vang dội, tiêu biểu như: Núi Nài, Đèo Ngang, chỉ trong ngày 26/3/1965, quân và dân Thị xã Hà Tĩnh đã bắn rơi 09 máy bay, quân và dân Kỳ Anh bắn rơi 03 máy bay của Mỹ…; Ngã ba Đồng Lộc huyền thoại, ghi danh Tiểu đội thanh niên xung phong anh hùng “Mười cô gái Đồng Lộc” (thuộc Tiểu đội 4, Đại đội 552, Tổng đội 55) “sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường dũng cảm” đã hy sinh cả tuổi thanh xuân của mình cho cách mạng; Anh hùng La Thị Tám và nhiều anh hùng, chiến sĩ, bộ đội, thanh niên xung phong và quân dân ở Đồng Lộc đã viết lên huyền thoại ở Ngã ba Đồng Lộc.
Từ năm 1965 - 1975, toàn tỉnh có 92.913 thanh niên nhập ngũ (chiếm 10% dân số toàn tỉnh lúc đó), 334.128 lượt người đi dân công hoả tuyến, 10.636 thanh niên xung phong; 13.024 người con của Hà Tĩnh đã anh dũng hy sinh trên các chiến trường... Rất nhiều gia đình có con độc nhất, hoặc 02 con, 03 con, 04 con là liệt sĩ. Nhiều tập thể và cá nhân được Nhà nước phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang, nhiều bà mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng. Tất cả các huyện, thị xã đều được phong tặng là đơn vị Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân. Hàng chục vạn cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ và Nhân dân được Đảng, Nhà nước tặng thưởng các loại huân, huy chương cao quý.
Thực hiện Nghị quyết Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá V (ngày 27/12/1975) về việc điều chỉnh một số đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, từ năm 1976, tỉnh Hà Tĩnh hợp nhất với tỉnh Nghệ An thành tỉnh Nghệ Tĩnh. Trải qua 3 kỳ kế hoạch xây dựng CNXH (từ năm 1976 - 1990), tình hình kinh tế - xã hội vùng Hà Tĩnh có nhiều chuyển biến đáng kể. Cơ sở vật chất, kỹ thuật trong các ngành kinh tế, nhất là trong nông nghiệp được đầu tư xây dựng, nâng cấp. Đặc biệt, sau 03 năm phấn đấu quyết liệt, ngày 26/3/1979, công trình đại thủy nông Kẻ Gỗ đã cơ bản hoàn thành, đưa hàng vạn hecta vùng hạ du thoát cảnh hạn hán. Kẻ Gỗ là công trình có ý nghĩa lớn về kinh tế, là công trình văn hóa, thể hiện sự đoàn kết, ý chí quyết tâm, sức mạnh tổng hợp của lòng dân.
Kỳ họp thứ 9, thứ 10, Quốc hội khóa VIII đã ban hành Nghị quyết điều chỉnh địa giới hành chính của 13 tỉnh, thành phố, chia tách 8 tỉnh thành 16 tỉnh, trong đó có tỉnh Nghệ Tĩnh. Ngày 16/8/1991, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ Tĩnh ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TU về lãnh đạo và tổ chức thực hiện công tác chia tách, tái lập tỉnh Nghệ An và tỉnh Hà Tĩnh.
Từ năm 1991 - 1995, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh khoá XIII, với tinh thần tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, cùng với sự giúp đỡ to lớn, có hiệu quả của Trung ương, Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh đã giành được nhiều thành quả quan trọng trong xóa đói, giảm nghèo, xây dựng cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng; điện, đường, trường, trạm... Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm đạt 11,3%.
Từ năm 1996 - 2000, tỉnh Hà Tĩnh đã tạo được sự phát triển tương đối toàn diện và đồng đều trên các lĩnh vực và địa bàn, đạt và vượt nhiều chỉ tiêu quan trọng mà Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XIV đã đề ra. Quan tâm đến nông nghiệp cùng với quyết tâm “xóa đói, giảm nghèo”; đã ra đời các khu kinh tế như Vũng Áng (1996), Cầu Treo (1998), cùng với hệ thống thị xã, thị trấn, thị tứ, Hà Tĩnh đi lên bằng hai mũi đột phá: Nông nghiệp - Công nghiệp, thương mại - dịch vụ. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt 7,05%; thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 1,5 lần; tỷ trọng nông, lâm, ngư nghiệp trong GDP từ 63,5% xuống còn 51%; giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng tăng từ 10,7% lên 14%; dịch vụ tăng từ 25,8% lên 35%; sản xuất lương thực đạt 46 vạn tấn, bình quân lương thực đầu người 370kg.
Từ năm 2001 - 2010, trong 10 năm cùng cả nước thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, trước những thời cơ và vận hội mới, Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh đã nỗ lực phấn đấu giành được nhiều kết quả tích cực. Những năm 2001, 2002, 2003... Hà Tĩnh sôi động lên với Phong trào xây dựng Nông thôn mới, xóa nhà tranh tre dột nát; nâng cấp cửa khẩu Cầu Treo (năm 2001); khởi công Cảng Vũng Áng và khánh thành Bến cảng I (năm 2002), cùng với hàng ngàn km giao thông nông thôn và hoàn thiện bê tông hóa kênh mương nội đồng gắn với chuyển đổi sản xuất nông nghiệp...
Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2006 - 2010, Hà Tĩnh đã tập trung mọi nguồn lực, tạo bước đột phá trong phát triển công nghiệp, đồng thời phát triển nông nghiệp toàn diện gắn với quá trình đô thị hóa. Trong giai đoạn này tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt 9,5% (giai đoạn 2001 - 2005 là 8,6%/năm). GDP bình quân đầu người năm 2010 đạt 14,5 triệu đồng/người/năm. Cơ cấu chuyển dịch đúng định hướng. Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tăng trưởng nhanh, giá trị sản xuất tăng bình quân hàng năm 18,7% (giai đoạn 2001 - 2005 là 15,7%). Thu hút và triển khai đầu tư một số dự án trọng điểm có quy mô quốc gia, từng bước hình thành trung tâm công nghiệp nặng quy mô lớn của khu vực và cả nước tại Khu kinh tế Vũng Áng với các sản phẩm chủ lực là gang thép, nhiệt điện, lọc hoá dầu, cảng biển nước sâu, công nghiệp phụ trợ. Một số công trình, dự án từng bước đi vào hoạt động góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh...
Từ năm 2010 - 2015, kinh tế Hà Tĩnh phát triển toàn diện, liên tục tăng trưởng với tốc độ cao, bình quân giai đoạn 2011 - 2015 đạt 18%. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 44 triệu đồng, vượt 9 triệu đồng so với chỉ tiêu Đại hội lần thứ XVII đề ra. Giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng bình quân tăng 38,3%. Cơ cấu ngành Công nghiệp chuyển dịch theo hướng tăng giá trị công nghiệp chế biến, chế tạo từ 66,43% (năm 2010) lên 69,69% (năm 2015). Khu kinh tế Vũng Áng được tập trung đầu tư, phát triển nhanh, có tầm cỡ quốc gia và quốc tế, nhiều dự án lớn được triển khai thực hiện, từng bước trở thành trung tâm công nghiệp nặng và cảng biển, với các sản phẩm chủ lực, có quy mô lớn là gang thép, nhiệt điện, dịch vụ cảng biển, khẳng định vai trò động lực thúc đẩy sự phát triển của tỉnh, của khu vực và cả nước, góp phần quan trọng vào an ninh năng lượng, an ninh ngành Thép của quốc gia.
Từ năm 2016 - 2020, trước những thời cơ và vận hội mới, Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh đã nỗ lực phấn đấu giành được kết quả quan trọng và khá toàn diện. Tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 4,55%, công nghiệp tiếp tục là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế. Quy mô nền kinh tế gấp hơn 1,4 lần so với năm 2015; tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đầu người tăng từ 39,7 triệu đồng lên 62,1 triệu đồng, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 23 triệu đồng lên 38,8 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng nông nghiệp năm 2020 còn 16,29%, công nghiệp - xây dựng 40,49%, dịch vụ 43,22%. Cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực; năng suất lao động bình quân tăng 11,1%/năm. Tổng thu ngân sách năm 2020 đạt 10.126 tỷ đồng bằng 80% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó, thu nội địa chiếm 69,81%; thu cân đối hoạt động xuất nhập khẩu chiếm 20,66% và thu khác chiếm 9,53%, tăng 27,75%. Giai đoạn 2010 - 2020, vận động, thu hút được trên 230 chương trình, dự án viện trợ không hoàn lại, viện trợ phi chính phủ nước ngoài với tổng giá trị giải ngân đạt gần 17,3 triệu USD.
Việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã theo Nghị quyết số 37-NQ/TW, ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị được triển khai đồng bộ, bài bản. Đến hết năm 2019, đã sắp xếp 80 đơn vị hành chính cấp xã, hình thành 34 xã mới, giảm 46 xã. Toàn tỉnh hiện có 216 xã, phường, thị trấn, các đơn vị hành chính cấp xã sau sáp nhập hoạt động ổn định.
Từ năm 2021 đến nay, giai đoạn đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện rất nhiều khó khăn, thách thức, nhất là ảnh hưởng của tình hình lũ lụt cuối năm 2020, cùng với đại dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 đã ảnh hưởng nặng nề đến đời sống Nhân dân, sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy vậy, với tinh thần đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, đạt nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục được quan tâm, tạo chuyển biến tích cực trong các cơ sở đảng. Tỉnh đã tập trung xây dựng, ban hành các Nghị quyết chuyên đề quan trọng để cụ thể hóa, tổ chức thực hiện có hiệu quả các nội dung Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX. Đã lãnh đạo tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc
hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 với tỷ lệ cử tri đã tham gia bỏ phiếu cao (99,86%). Kinh tế - xã hội ngày càng phát triển. Thu ngân sách năm 2021 đạt gần 17.000 tỷ đồng, vượt gần 40% kế hoạch Hội đồng nhân dân tỉnh giao. Thu ngân sách quý I/2022 đạt 5.769 tỷ đồng, bằng 35% dự toán tỉnh giao, tăng 52% so với cùng kỳ. Toàn tỉnh hiện có 173/182 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tỷ lệ trên 95% (cả nước đạt 63,5%); 44 xã nâng cao (cả nước có 305 xã); 03 xã kiểu mẫu (Hương Trà, Tượng Sơn, Tùng Ảnh); 9/13 huyện, thành phố, thị xã đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Công tác xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP đạt kết quả khá. Đã thu hút được 55 dự án đầu tư, bao gồm 54 dự án trong nước và 01 dự án đầu tư nước ngoài. Các dự án đầu tư trọng điểm trên địa bàn được đẩy nhanh tiến độ triển khai... Lĩnh vực văn hoá, xã hội đạt kết quả khả quan. Chủ động phòng, chống, kiềm chế và kiểm soát tốt dịch COVID-19 với những cách làm linh hoạt, sáng tạo. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân, nền an ninh Nhân dân, thế trận an ninh Nhân dân và khu vực phòng thủ của tỉnh, huyện được củng cố, xây dựng ngày càng vững chắc, tạo môi trường ổn định để phát triển kinh tế - xã hội, hợp tác đối ngoại, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.
Những kết quả mà Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh thực hiện và làm theo lời dạy của Bác Hồ đã đạt được trong 65 năm qua là những tiền đề, những điều kiện quan trọng để phát triển nhanh, bền vững trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập kinh tế quốc tế.
Để tiếp tục thực hiện lời dạy của Bác “
Hà Tĩnh phải làm sao cho tình hình nổi bật lên”, thời gian tới, Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh tiếp tục nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra, quyết tâm xây dựng Hà Tĩnh trở thành tỉnh có công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ phát triển, hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, văn hóa phát triển, xã hội tiến bộ, quốc phòng - an ninh đảm bảo, trở thành một trong những cực phát triển của vùng Bắc Trung Bộ; cải thiện toàn diện đời sống Nhân dân; đến năm 2025 tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người cao hơn bình quân các tỉnh Bắc Trung Bộ, phấn đấu năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước. Đảng bộ Hà
Tĩnh xác định các nhiệm vụ và giải pháp cần tập trung thực hiện trong thời gian tới như sau:
1. Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI, khóa XII, khóa XIII, Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị gắn với thực đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 05-CT/TW, Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị, các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII. Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, trước hết là chất lượng cấp ủy, chất lượng cán bộ, đảng viên và sinh hoạt Đảng. Triển khai thực hiện có hiệu quả Quy định số 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm, Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung; Kết luận số 29-KL/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao đạo đức công vụ của cán bộ, công chức.
2. Đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm. Phát huy rõ hơn vai trò các đoàn công tác của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cấp ủy đảng, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan truyền thông, cán bộ, đảng viên và Nhân dân, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; tăng cường, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng với Nhân dân. Đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp uỷ, tổ chức đảng và hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan nhà nước.
3. Đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu, phát triển kinh tế số, “kinh tế xanh”, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ sau thép, dịch vụ cảng biển và logistics; thu hút đầu tư các dự án năng lượng mới, năng lượng tái tạo. Tập trung chuyển dịch cơ cấu, nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động; tăng cường thu hút đầu tư, nâng tỉ lệ lấp đầy các khu, cụm công nghiệp; xây dựng Khu kinh tế Vũng Áng thực sự trở thành khu kinh tế đa chức năng. Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp; tiếp tục triển khai mạnh mẽ, đồng bộ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững; tập trung xây dựng tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới. Phát triển dịch vụ cảng biển và hậu cần (logistics) trở thành trụ cột kinh tế quan trọng; nâng cao chất lượng dịch vụ, nguồn nhân lực, phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch.
4. Huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực tập trung xây dựng hạ tầng đồng bộ, nhất là hệ thống giao thông trọng yếu, hạ tầng Khu kinh tế Vũng Áng, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, hạ tầng đô thị, hạ tầng số, hình thành các trục phát triển, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, liên kết nông thôn mới với đô thị và các vùng. Đẩy mạnh huy động xã hội hóa nguồn lực đầu tư hạ tầng văn hóa, giáo dục, y tế. Quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý, hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động, tích cực triển khai hiệu quả các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu.
5. Chú trọng đầu tư lĩnh vực văn hóa, xây dựng và khơi dậy, phát huy ý chí, khát vọng và các giá trị văn hóa, chuẩn mực của con người Hà Tĩnh trong giai đoạn mới. Tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo, thực hiện hiệu quả các chính sách đào tạo nguồn nhân lực. Nâng cao chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ Nhân dân. Chăm lo thực hiện tốt chính sách đối với người có công, công tác giảm nghèo, đặc biệt chú trọng các xã miền núi, ven biển; đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân.
6. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, ổn định; ưu tiên thu hút đầu tư hạ tầng khu công nghệ thông tin gắn với hạ tầng số... Xây dựng và áp dụng linh hoạt hình thức huy động, các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư; lồng ghép hiệu quả nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp, dân cư với nguồn vốn ngân sách nhà nước.
7. Triển khai thực hiện hiệu quả chiến lược bảo vệ Tổ quốc, chiến lược đảm bảo an ninh quốc gia trong tình hình mới; xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh, bền vững với ba trụ cột “kinh tế - xã hội - môi trường”. Tăng cường và nâng cao năng lực, hiệu quả hội nhập quốc tế trên các lĩnh vực.
8. Lãnh đạo, chỉ đạo học tập, quán triệt, tuyên truyền kịp thời, sâu rộng; xây dựng chương trình hành động, kế hoạch cụ thể, tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; tập trung triển khai cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh, nhất là các nghị quyết của Tỉnh ủy đã ban hành từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tập trung cao cho công tác giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án trọng điểm, tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế - xã.
Kỷ niệm 65 năm Ngày Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh (15/6/1957 - 15/6/2022) là sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong đời sống chính trị của tỉnh nhà, nhằm tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân về cuộc đời, sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh; về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; về những truyền thống tốt đẹp và thành tựu vẻ vang trong hơn sáu thập kỷ qua của tỉnh nhà... Trên cơ sở đó, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống cách mạng, động viên đội ngũ cán bộ, đảng viên, các tầng lớp Nhân dân và con em Hà Tĩnh ở mọi miền đất nước tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, nêu cao tinh thần trách nhiệm với quê hương, đẩy mạnh các phong trào thi đua hành động cách mạng, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp.
Bước vào thời kỳ mới, Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh tiếp tục đoàn kết, nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thực hiện tốt lời dạy và mong ước của Bác Hồ “Hà Tĩnh phải làm sao cho tình hình nổi bật lên”, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.
BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY