Đình làng Đôn Mỹ là ngôi đình duy nhất ở các xã bờ tả hạ nguồn sông Ngàn Phố thờ cúng Thần Đại vương Kê Quan Sơn. Phong tục tế lễ của người Sơn Trà tại các địa chỉ linh thiêng sẽ được khôi phục theo đúng nghi thức cha ông để lại. Ngày 14-6 âm lịch hàng năm sẽ tế tại Đình. Ngày rằm tháng 6 sẽ tế tại Đền Cả. Bà con cần biết để sắp xếp thời gian về quê tham dự.
Con người ta có 3 người thầy, đồng thời là ba đấng độ trì vĩ đại nhất, đó là Trời Đất, Thần Thánh và Nhân dân. Mỗi người, dù cố gắng đến mấy cũng không thể nào học hết vốn tri thức như biển trời của ba người thầy ấy. Triết lý Thiên thời, Địa lợi, Nhân hòa cũng từ đó mà ra.
Sau nhiều thập kỷ chờ đợi, người Sơn Trà đã làm được những việc mà các thế hệ ông cha mong muốn. Người Sơn Trà đã chung tay góp sức để vun đắp cho gốc rễ sâu bền. Hi vọng, bà con ta từ nay sẽ luôn tự hào về nền văn hóa đậm đà bản sắc của mảnh đất dưới chân núi Mồng Gà.
Cung kính tri ân Trời Đất, Thần Linh vùng thiêng Kê Quan Sơn.
Đền Cả là tên thường gọi ngôi đền lớn ở xã Liệt Đồn (Làng Bạc), từ đời Thành Thái là xã Đôn Mỹ, tổng Dị Ốc, nay là xã Sơn Trà.
Theo sách Bách thần sự tích thì “đền ở xã Trại Đầu, Thần nguyên là vị tướng đời Lý... bị thương về đến núi Kê Quan thì mất”. Nhưng theo vị hiệu thì rõ ràng đây là đền thờ Thần núi Kê Quan (núi Mồng Gà). Vị hiệu Thần là “Bản xứ Kê Quan sơn Âm Chủ sơn quản lĩnh hiển ứng đại vương” (về sau, các đời vua đều có gia phong thêm một số mỹ tự như “Thắng hành” (đời Minh Mệnh), “Tuấn vọng Nguy danh, Đôn tinh Tú ngưng” (đời Thiệu Trị), “Dực bảo trung hưng” (đời Duy Tân)...
Sau Cách mạng, đền này và các đền trong tổng hợp tự ở chùa Am (nay thuộc xã Đức Hòa), hiện còn các đạo sắc phong: 1/ Đời Lê Cảnh Hưng năm thứ 44, ngày 26-7 ÂL (1783), 2/ Đời Tây Sơn, Cảnh Thịnh thứ 4, ngày 21-5 ÂL (1796), 3/ Đời Nguyễn, Minh Mệnh, năm thứ 5 - 21/8 ÂL (1824), 4/ Thiệu Trị năm thứ 3 (1843), 5/ Duy Tân năm thứ 3, 11/8 ÂL (1909). (1)
Theo tài liệu của cụ Lê Tôn Mưu trong Hương Sơn địa chí (Bản thảo - Tập II) thì, tương truyền, ông Lễ Hữu Dũng (2) nguyên là quan Bố chánh tỉnh Lạng Sơn nghỉ hưu về quê sinh sống, là người đề xuất việc lập đền, và là người đầu tư cùng dân xây dựng đền này to đẹp hơn tất cả đền miếu trong xã.
Khoảng 1947-1948, hợp tự, đền bị dỡ phá, chỉ còn lại hai cột nanh và mảng tường ở cổng đền, một trong hai con voi đắp bằng vôi vữa, mảng tắc môn và nền hai căn nhà.
Cuối thập niên 90 của thế kỷ XX, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và chính quyền xã đề nghị, được ông Nguyễn Việt, một doanh nhân người trong xã, đầu tư trùng tu lại đền. Xã cũng đã cho đưa hai ngôi nhà cũ của ngôi đền trước đây bị dỡ, là di tích cổ, về dựng lại và gia cố, xây dựng khang trang hơn.
Ngôi đền hiện nay tọa lạc trên một khu vườn chữ nhật rộng 10.000m 2 .Cổng xây hai cột nanh to, cao 2,30m, có tường dắc, hai đầu hai cột quyết. Trong cổng, hai con voi đá cao 1,20m quỳ trên bệ cao 0,42m. Qua tắc môn, đi vào, đến ba tòa Hạ, Trung, và Thượng đường bằng gỗ xếp hình chữ “tam” liền sít nhau. Ba nhà đều chạm trỗ ở kèo, rường, hạ, nhưng hạ điện chạm trỗ nhiều và công phu hơn.
Hiện nay, đền thờ các vị Thần:
- Tam tòa đại vương Lý Nhật Quang.
- Cao sơn Cao các.
- Ông Lê Hữu Dung, quê xã Sơn Diệm, tướng của nghĩa quân Lam Sơn (?).
Đền Cả Sơn Trà được xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh năm 2005.