Xã Sơn Trà nằm ở phía Đông huyện Hương Sơn, phía Bắc giáp xã Tân Mỹ Hà, phía Nam giáp xã Ân Phú (Vũ Quang), phía Tây giáp xã Sơn Bình, phía Đông giáp xã Sơn Long.
Sơn Trà là xã thuộc vùng 1 huyện Hương Sơn, có địa hình đồi núi thấp, đỉnh núi cao nhất là núi Mồng Gà (350m) nằm trong dãy núi Đại HÀm chạy từ Nầm đến xã Sơn Trà và giáp với Núi Mồng Á của xã Ân Phú. Dãy Mồng Gà là nơi có “Giếng Thần”, “Động Tiên”, “Bàn chân Thần” và chuyện con Nguộc (Ngọc)… làm cho địa danh Mồng Gà thêm linh thiêng. Ngoài ra , còn có những ngọn núi thấy , có cư dân sinh sống : rú Pheo , rú Cựa Háp , rú Con , rú Dooc, rú Lái, rú Miệu, rú Làng Bạc, rú Cọi, rú Hương. Đặc điểm tự nhiên của hệ núi Sơn Trà là đá Granit. Đất đai ở sườn núi chủ yếu là đá ong, sét nặng, vùng đồng bằng là đất pha cát và đất đỏ ba gian.
Nhìn tổng thể phía sau xã là đồi núi Mồng Gà, ở giữa là những cụm dân cư ở trên đồi núi thấp xen lẫn với ruộng đồng, tiếp đó là những cánh đồng trải rộng đến tận Hói Vàng – Mò O, đi trở ngược hơn 1km là Vũng Díu, Bàu Thai.
Xã Sơn Trà có diện tích tự nhiên là 711,12 ha, trong đó có 512.21 ha đất nông nghiệp, diện tích đất phi nông nghiệp là 155.29 ha, đất chưa sử dụng 43.63 ha. Dân số có 762 hộ với 2264 nhân khẩu.
Sơn Trà không có sông, chỉ có hói bàu nhỏ là nơi dữ trữ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Toàn xã có 7 hói, bàu: Cây Sắn, Nhà U, bàu Cóc, bàu Đá, Rú Cầu, Hói Vàng (là nơi phân chia địa giới cánh đồng của Sơn Trà và Tân Mỹ Hà), bàu Thai (là nhánh sông Ngàn Phố qua cầu Cửa Khâu, đoạn chảy qua Sơn Bình, Tân Mỹ Hà, gọi là bàu Hàn, đoạn kéo dài do lâu ngày bị bồi đắp quãng gọi là Bàu Thai trên đất Sơn Trà). Phần đồng ruộng thấp trũng, bậc thang xen giữa các đồi, chủ yếu đất thịt nhẹ, cánh đồng Nhà U, Nhà Sở, có đất sét nặng; vùng Đàng, vùng 4, Cồn Chăm, Đồng Cụt có ruộng đất pha cát.
Nguồn nước tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp chủ yếu lấy từ trạm bơm bàu Thai, bàu Cóc.
Xã có Quốc lộ 8 đi qua, với chiều dài 2.7km –con đường nối liền Việt Nam và nước bạn Lào. Chính nhờ có Quốc lộ 8A chạy qua xã nhà mà kinh tế, văn hóa và tầm nhìn của nhân dân được nâng cao. Cùng với hệ thông đường liên xã dài 6.7km, đường liên thôn dài 6.4km rất thuận lợi cho nhân dân đi lại và phát triển kinh tế.
Sơn Trà nói riêng và Hương Sơn nói chung đều chịu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm quanh năm, sự phân biệt 4 mùa rõ rệt. Tuy nhiên, do đặc điểm địa lý, địa hình nên khí hậu ở Sơn Trà cũng có những đặc thù riêng, hình thành một tiểu khí hậu phía Bắc sông Ngàn Sâu. Mùa Xuân, tháng Giêng trời vẫn còn rất rét, mùa Hạ tháng Năm có gió Nồm rất nóng gắt, mùa Thu tháng Tám thuường có mưa to, gió mạnh, nước lũ dâng ngập, mùa Đông tháng Mười, thường rét buốt hơn so với các vùng khác. Đặc biệt, Sơn Trà nằm trong vùng chịu ảnh hưởng của những mùa mưa, lưu lượng mưa hàng năm phân bố không đều, hạn hán và lũ lụt thường xẩy ra. Từ đặc điểm khí hậu đó, nhân dân trong vùng đã có nhiều kinh nghiệm trong cơ cấu mùa vụ, thực hiện nghiêm túc lịch thời vụ, nuôi trồng những cây con thích nghi với thổ nhưỡng và khí hậu.
Sơn Trà là xã thuần nông. Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, diện tích đất nông nghiệp ở Đôn Mỹ là 275ha, bình quân đầu người hơn 4 sào ruộng đất (hơn 2.000m2), số ruộng đất đó bị địa chủ chiếm tới 192.5 mẫu (35%), phú nông chiếm 55 mẫu (10%), ruộng công điểm chiếm 52 mẫu (10%), địa chủ ngoài xã chiếm 70 mẫu (13%). Số còn lại 176 mẫu chiếm 32 % là ruộng đất của đông đảo người nông dân trong xã, họ có nhà ở, có vườn tược, ruộng đất canh tác và trâu bò dụng cụ làm ăn.
Sơn Trà có nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ rất nổi tiếng, sản phẩm tơ lụa được các vùng miền uwua chuộng (nghề này ngày nay không còn). Nghề trồng mía kéo mật cũng là một nghề mà một thời sản phẩm của Sơn Trà cung cấp cho các xã vùng Đức Thọ, Thạch Hà, chợ Vinh (Nghệ An).
Hiện nay, hoạt động kinh tế chủ yếu của người dân Sơn Trà vẫn là sản xuất nông nghiệp, diện tích trồng lúa hàng năm là 162ha, bà con đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, các giống lúa cũ được thay thế bằng các loại giống mới có năng suất và chất lượng cao hơn. Bên cạnh đó, trồng màu và chăn nuôi đã trở thành thế mạnh của Sơn Trà, hàng năm đậu, lạc, ngô được trồng khoảng 62 ha, trong đó Lạc (21 ha), Ngô (39 ha), còn lại trồng Khoai lang; chăn nuôi: Trâu, bò, lợn, gà, hươu ngày một phát triển…
Một số hình ảnh của xã Sơn Trà: